Du lịch Quảng Nam:Thích ứng thời kỳ hậu Covid -19
VHO- Mặc dù có sự khởi sắc trong năm qua nhưng hoạt động du lịch Quảng Nam hậu đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn phục hồi như thời “đỉnh cao”. Chính quyền và doanh nghiệp đang tổ chức nhiều hoạt động và đưa ra nhiều hướng đi mới nhằm phát triển thị trường khách đa dạng.
Du lịch Quảng Nam khởi sắc nhưng chưa trở lại “đỉnh cao” như thời kỳ trước đại dịch
Nhiều hoạt động kích cầu
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay, các doanh nghiệp ngành du lịch từng đối diện với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây, tuy nhiên việc chịu tác động nặng nề từ Covid-19 là chưa có tiền lệ. “Việc đại dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp làm doanh nghiệp hoang mang, không biết lúc nào dịch bệnh mới tới “điểm dừng”, càng không rõ lúc nào tình hình hoạt động mới có thể phục hồi. Đã có doanh nghiệp nghĩ đến viễn cảnh bi quan là ngành du lịch sẽ “biến mất” sau khủng hoảng Covid-19”, ông Thủy chia sẻ.
Du lịch Quảng Nam “thấm đòn” Covid-19 ngay khi dịch bệnh bùng phát và kéo dài. Theo báo cáo của Sở VHTTDL, giai đoạn 2020 - 2021, các hoạt động kinh doanh du lịch bị “tê liệt” với trên 90% doanh nghiệp đóng cửa, hơn 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm. Ngoài ra các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn về nhân sự và doanh thu... Nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp khó với các khoản nợ liên quan đến ngân hàng, thuế, bảo hiểm...
Theo khảo sát của CLB Nhân sự du lịch Quảng Nam mới đây, số lượng khách sạn, nhà hàng mở cửa trở lại sau Covid-19 vẫn chưa đạt 100%. Có đến 95% đơn vị xác nhận có biến động và thay đổi nhu cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng khách hàng, thiếu lao động, thiếu vốn, khó vay ngân hàng, giảm doanh thu... Cùng với đó, 90% doanh nghiệp xác nhận bị sụt giảm đầu tư, cơ sở hạ tầng, xuống cấp, vốn suy giảm, chính sách du lịch ít được quan tâm, giảm thu nhập từ du lịch...
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng phó khủng hoảng Covid-19” tại Hội An, các doanh nghiệp cho biết, đã tạm đi qua giai đoạn khó khăn nhờ sự đồng hành của chính quyền với các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên nguồn khách truyền thống, khách quay lại Quảng Nam vẫn chưa đông như trước. Các doanh nghiệp vẫn mong muốn được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, cùng với đó xây dựng nhiều sản phẩm mới để giữ chân du khách, khẳng định vị thế Quảng Nam để tăng thời gian lưu trú của du khách. Đồng thời tiếp tục triển khai chính sách giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng.
Sau thời gian chịu tác động trực tiếp từ Covid-19, ngành du lịch Quảng Nam đã nỗ lực vực dậy. Theo bà Nguyễn Thị Linh Phượng, Phó trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VHTTDL, trong thời gian qua tỉnh tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động nhằm kích cầu và phục hồi du lịch, trong đó việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” và tổ chức thành công Lễ Khai mạc và các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện lớn này là cú hích cho du lịch Quảng Nam nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sớm phục hồi. Bản thân các đơn vị đã đầu tư xây dựng các sản phẩm mới và đưa vào đón khách như: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An - Hoiana, Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An, Shilla Monogram, The five villas, Cổng trời Đông Giang, tour trải nghiệm tuần hoàn rác thải, tour tâm linh...
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đánh giá Quảng Nam là điểm sáng vượt khó từ đại dịch Covid-19 với việc chính quyền linh hoạt đề ra các chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp và bản thân các doanh nghiệp nỗ lực thích nghi. Theo thống kê của Sở VHTTDL, đã có những tín hiệu tích cực sau đại dịch với tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2022 ước đạt 4.746.000 lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là động lực để du lịch Quảng Nam vượt khó và hướng tới giai đoạn khởi sắc trong thời gian tới.
Mở ra nhiều hướng đi
Vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhiều trong bối cảnh hậu khủng hoảng Covid-19 là thị trường khách và phát triển các sản phẩm du lịch. Ông Nguyễn Xuân Hà, Giám đốc Công ty CP Gami Hội An chia sẻ băn khoăn của các doanh nghiệp về vấn đề này: “Các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc chưa hoàn toàn phục hồi, việc khai thác các thị trường này vẫn còn khó khăn trong khi với những thị trường mới như Ấn Độ thì doanh nghiệp vẫn chưa hiểu hết”. Theo ông Hà, doanh nghiệp ngành du lịch có nhu cầu tìm hiểu sâu, kỹ càng hơn về nhu cầu của du khách ở các thị trường mới, từ đó biết họ “cần gì, muốn gì” để có hướng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp và giữ chân du khách lâu dài. Do đó, phía Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cần tổ chức thêm nhiều sự kiện kết nối, chia sẻ để doanh nghiệp hiểu hơn về các thị trường mới.
Đề cập câu chuyện phát triển thị trường du lịch, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay: “Hội An nỗ lực gượng dậy sau Covid-19 và tư duy phát triển của thành phố sẽ là bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng giá trị phố cổ đang có và đồng thời mở rộng không gian ra bên ngoài”. Theo ông Lanh, thành phố Hội An rút ra bài học từ việc bị động trong thời gian qua, du lịch Hội An không tập trung và không phụ thuộc vào một thị trường khách cố định nào, thay vào đó là định hướng phát triển du lịch tâm linh, du lịch đường thủy, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch môi trường, du lịch có trách nhiệm trên nền tảng văn hóa - lịch sử lâu đời của địa phương.
Theo PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, trong đó mở rộng các giải pháp về vốn; xúc tiến quảng bá, phát triển những thị trường mới; rà soát hệ thống dịch vụ, phát triển sản phẩm và không gian mới trên cơ sở kiểm soát chất lượng; du lịch di sản cũng cần được hỗ trợ trong giai đoạn trung và dài hạn... “Giai đoạn sau đại dịch, du lịch đã có những dấu hiệu tích cực. Covid-19 là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại du lịch. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn trước mắt, vì thế cần có sự chung tay của các bên liên quan trong việc vượt qua khó khăn do Covid-19”, PGS.TS Phạm Trương Hoàng cho biết.
XUÂN SƠN